Kết thúc phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 6, nhiều đại biểu Quốc hội đánh giá cao hiệu quả của chương trình làm việc, cho rằng các thành viên Chính phủ đã trả lời thẳng thắn, không vòng vo, né tránh.
Lần đầu tiên trong nhiệm kỳ khóa XV, Thủ tướng Chính phủ, tất cả các Phó Thủ tướng Chính phủ và 21 “tư lệnh” ngành đã trực tiếp trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội.
Sau hơn 2 ngày làm việc với tinh thần xây dựng và trách nhiệm cao, đã có hơn 400 lượt đại biểu Quốc hội đăng ký tham gia chất vấn; trong đó có 152 lượt đại biểu Quốc hội thực hiện quyền chất vấn.
Nhiều đại biểu đánh giá cao hiệu quả và chất lượng của phiên chất vấn kỳ này.
Không vòng vo, né tránh
Đại biểu Vũ Tiến Lộc, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội bày tỏ sự hài lòng với nội dung trả lời của các thành viên Chính phủ.
“Trong phiên chất vấn lần này, các đại biểu nêu các nhóm vấn đề mở rộng, thể hiện ý chí của cử tri. Các thành viên Chính phủ đều phải sẵn sàng trả lời và có cách tiếp cận vấn đề tổng thể hơn, đáp ứng nguyện vọng của cử tri. Các Bộ trưởng cũng mới nhận nhiệm vụ, nhưng đã nỗ lực trả lời đúng và trúng vấn đề cử tri quan tâm; đã nêu được giải pháp cụ thể,” Đại biểu Vũ Tiến Lộc nhận xét.
Ông Lộc cho hay nhiều đại biểu Quốc hội hài lòng về cách trả lời của các Bộ trưởng, thể hiện qua việc đối diện với các vấn đề cử tri quan tâm cũng như thái độ cầu thị được thể hiện rõ.
Chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus bên lề kỳ họp, Đại biểu Nguyễn Chu Hồi (Hải Phòng) cho rằng các đại biểu có cách hỏi ngắn gọn, trọng tâm, tiết kiệm thời gian cho người khác đồng thời tạo điều kiện để thành viên Chính phủ trả lời trúng vấn đề.
Trong quá trình chất vấn và tranh luận, Đại biểu Nguyễn Chu Hồi cho rằng đại biểu Quốc hội và thành viên Chính phủ đều trao đổi trên tinh thần xây dựng, đối thoại để làm rõ vấn đề chứ không nhằm phân tích đúng sai. Chính tinh thần này khiến cử tri và Nhân dân dễ nắm bắt vấn đề và tiếp nhận các thông tin hữu ích.
Đặc biệt, Đại biểu Nguyễn Chu Hồi đánh giá cao phần điều hành của Chủ tịch Quốc hội đã gợi mở, làm rõ vấn đề, đảm bảo chất lượng của phiên hỏi đáp.
Đồng tình với quan điểm này, Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) đánh giá phần điều hành của Chủ tịch Quốc hội linh hoạt, bám sát câu hỏi của các đại biểu, có liên kết lĩnh vực của ngành này với ngành khác, có sự điều chuyển, yêu cầu các Bộ trưởng liên quan trả lời bổ sung.
Ông Cường cho rằng không chỉ các đại biểu Quốc hội tham gia chất vấn mà chính Chủ tịch Quốc hội cũng đặt ra những vấn đề cho các Bộ trưởng như người chất vấn cấp cao.
“Không khí phiên chất vấn và trả lời chất vấn rất sôi nổi, rõ ràng, đúng trọng tâm, trọng điểm. Các thành viên Chính phủ nắm chắc thực trạng của ngành, cơ bản đã trả lời thẳng thắn, giải trình nghiêm túc, làm sáng tỏ nhiều vấn đề và đề ra giải pháp để khắc phục. Số lượng đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi cũng rất nhiều, phần trả lời của các Bộ trưởng khá trực diện, không có tình trạng né tránh hoặc vòng vo,” ông Cường đánh giá chung.
Cần thể hiện quyết tâm cao hơn
Lần đầu tiên trong nhiệm kỳ khóa XV, Quốc hội tiến hành chất vấn các thành viên Chính phủ và “tư lệnh” ngành về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.
Chính vì vậy, đây có thể coi là kỳ chất vấn lớn để nhìn lại tất cả những lời hứa, cam kết của các thành viên Chính phủ trong 5 kỳ họp trước đây đồng thời cũng là dịp để chỉ ra hướng mà các tư lệnh ngành cần xử lý thời gian tới.
Do đó, Đại biểu Hoàng Văn Cường mong muốn phần trả lời của các trưởng ngành có lộ trình cụ thể hơn về những vấn đề cần giải quyết trong tương lai đồng thời ở vấn đề liên quan đến nhiều ngành, nhiều cơ quan cũng cần phân định rõ trách nhiệm của từng đơn vị để khi nhìn lại có thể thấy rõ ai đã hoàn thành và ai chưa hoàn thành.
Chia sẻ về vấn đề này, Đại biểu Phạm Văn Hòa (tỉnh Đồng Tháp) cũng cho rằng phiên chất vấn này là kỳ kiểm tra, sát hạch về thành quả đã đạt được của các ngành cũng như những tồn tại, hạn chế.
Với ý nghĩa bao trùm như vậy, Đại biểu Hòa cho rằng các trưởng ngành cần chỉ ra lộ trình rõ ràng cho nửa nhiệm kỳ còn lại. Các thành viên Chính phủ cần chung sức, chung lòng với doanh nghiệp và người dân, quyết tâm thực hiện đúng tinh thần nghị quyết của Quốc hội đề ra từ đầu nhiệm kỳ.
“Quốc hội Việt Nam đã đặt mục tiêu tăng trưởng năm 2023 là 6,5%, thấp hơn kết quả đạt được của năm 2022 là 8,02%, song chúng ta khó đạt được mục tiêu này, chỉ có thể phấn đấu đạt trên 5%, trong khi đó chỉ tiêu năm 2024-2025 vẫn giữ nguyên, không hạ xuống. Vậy, chúng ta phải có sự phấn đấu rất quyết liệt và có những giải pháp hữu hiệu, căn cơ nhất thì mới đạt được,” ông Phạm Văn Hòa nói./.
Sau 2,5 ngày làm việc nghiêm túc, tập trung, sôi nổi, với tinh thần xây dựng, tâm huyết và trách nhiệm cao, đã có 457 lượt đại biểu Quốc hội đăng ký tham gia chất vấn; 152 lượt đại biểu Quốc hội thực hiện quyền chất vấn, trong đó có 39 lượt đại biểu tranh luận. Chủ tịch Quốc hội cho biết, đây là lần đầu tiên trong nhiệm kỳ khóa XV, Thủ tướng Chính phủ, tất cả các Phó Thủ tướng Chính phủ và 21 bộ trưởng, trưởng ngành trực tiếp trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội.
“Với phạm vi chất vấn rất rộng, các đại biểu Quốc hội đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, nghiên cứu kỹ các báo cáo, đặt câu hỏi ngắn gọn, rõ ràng, có trọng tâm, đi thẳng vào vấn đề; các thành viên Chính phủ, trưởng ngành nắm chắc thực trạng của ngành, lĩnh vực phụ trách, cơ bản đã trả lời thẳng thắn, giải trình nghiêm túc, làm sáng tỏ nhiều vấn đề và đề ra giải pháp để khắc phục. Quốc hội ghi nhận và đánh giá cao sự nghiêm túc, cầu thị, tinh thần trách nhiệm của các thành viên Chính phủ, trưởng ngành trong việc trả lời chất vấn và tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội,” Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói.
Một nguồn: https://www.vietnamplus.vn/nhieu-dai-bieu-quoc-hoi-danh-gia-cao-hieu-qua-cua-phien-chat-van/906640.vnp
Nguồn ảnh: cdnimg.vietnamplus.vn