Ông Tôn Đức Thắng là Chủ tịch nước thứ hai của Việt Nam từ ngày 22 tháng 9 năm 1969 đến ngày 30 tháng 3 năm 1980. Trước đó ông cũng là Phó Chủ tịch nước Việt Nam nhiệm kỳ 1960-1969, Trưởng ban Thường trực Quốc hội nhiệm kỳ 1955-1960 - chức vụ này tương đương với chức vụ Chủ tịch Quốc hội hiện nay.
Tôn Đức Thắng còn có tên gọi khác là Thoại Sơn. Ông sinh ngày 20 tháng 8 năm 1888 tại quê nhà Cù lao Ông Hổ, làng Mỹ Hoà Hưng, tổng Định Thành, hạt Long Xuyên (hiện nay thuộc xã Mỹ Hòa Hưng, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang). Tôn Đức Thắng qua đời ngày 30 tháng 3 năm 1980 tại thủ đô Hà Nội. Ông tốt nghiệp Sơ cấp tiểu học Đông Dương (Certificat d'Etudes Primaires Complémentaires Indochinoises - CEPCI) tại hạt Long Xuyên năm 1906, và tiếp tục theo học Trường Cơ khí Á Châu (L’école des Mécaniciens Asiatiques). Nhờ tốt nghiệp loại tốt, Tôn Đức Thắng ngay lập tức được nhận vào làm tại Nhà máy Ba Son thuộc Hải quân Pháp đóng tại Sài Gòn.
Năm 1913, ông di cư sang Toulon (Pháp) làm công nhân. Đến năm 1914, Tôn Đức Thắng tham gia vào chiến dịch phản chiến chống lại sự can thiệp của đế quốc Pháp vào Liên Xô. Ông về nước hoạt động cách mạng vào năm 1920. Ông là người xây dựng nên cơ sở công hội, tiền thân của Công đoàn Việt Nam sau này. Tôn Đức Thắng Tích cự vận động công nhân toàn quốc đấu tranh, tiêu biểu nhất là cuộc biểu tình của công nhân Ba Son từ tháng 8 đến tháng 11 năm 1925. Đình công, kéo dài việc sửa chữa chiến hạm "Jules Michelet" trực thuộc đoàn tàu chiến của hạm đội Hải Quân Pháp đang có nhiệm vụ quan trọng là lên đường sang Trung Quốc chiến đấu.
Tôn Đức Thắng tham gia Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên vào năm 1927, và được phân cộng chịu trách nhiệm phong trào công nhân khu vực Sài Gòn - Chợ lớn hoạt động rất sôi nổi thời bấy giờ. Năm 1928, Tôn Đức Thắng bị thực dân Pháp bắt và đày ra Côn Đảo. Tại đây, vào năm 1930, Tôn Đức Thắng chính thức gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam.
Năm 1921, Tôn Đức Thắng kết hôn với vợ là Đoàn Thị Giàu (1898-1974) tại xã Vĩnh Kim, tỉnh Tiền Giang và có với nhau hai cô con gái. Hai người con gái của ông sau này đều là thành viên của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Tôn Đức Thắng là người đầu tiên được tăng Huân chương Sao vàng năm 1958, khi đó ông 70 tuổi. Chủ tịch Quốc hội của đất nước Mông Cổ đã trao tặng ông Huân chương Xukhe Bato - đây là huân chương cao quý nhất của Mông Cổ. Tôn Đức Thắng cũng là người Việt Nam đầu tiên vinh dự được trao tặng giải thưởng Hòa bình Quốc tế Lenin do Liên bang Xô viết trao tặng. Tên của ông được đặt cho nhiều con đường ở Việt Nam.
Bảo tàng Tôn Đức Thắng được xây dựng tại khu vực Quận 1, TP HCM, là nơi lưu giữ nhiều tư liệu về Tôn Đức Thắng, phục vụ nhu cầu thăm viếng và tưởng nhớ của mọi người dân. Một số tỉnh, thành, khu vực khác cũng có các phòng trưng bày tư liệu về ông nhưng với quy mô nhỏ hơn.