Nhiều dự án giao thông trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh dù đã được khởi công xây dựng từ lâu, và rất được kỳ vọng sẽ là điểm sáng để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông, thúc đẩy nền kinh tế phát triển nhưng đến nay vẫn phải "đắp chiếu" và chưa biết được bao giờ mới hoàn thành. Những công trình đó bao gồm Tân Kỳ- Tân Quý, Bưng, Cầu Thủ Thiêm 2, Nam Lý, Long Kiểng, Tăng Long.
Cầu Tân Kỳ - Tân Quý
Dự án cây cầu Tân Kỳ - Tân Quý được lãnh đạo TP Hồ Chí Minh phê duyệt dự án vào năm 2017, khởi công xây dựng từ đầu năm 2018, theo hình thức đối tác công - tư (PPP), hợp đồng BOT (chuyển giao - xây dựng - kinh doanh) thay thế cây cầu cũ đang bắc qua kênh Bến Cát - Tham Lương.
Cây cầu dài tổng cộng 83 m, rộng 16 m, đường dẫn dài 225 m. Dự án này có mức vốn đầu tư là hơn 312 tỷ đồng, sau khi được tính toán kỹ lưỡng đã được nâng lên thành 668 tỷ đồng (tính cả lãi trong thời gian thi công, chờ thu phí). Khối lượng thi công hiện nay đã đạt hơn70% nhưng bị đình trệ từ gần hai năm nay.
Nguyên nhân diễn ra tình trạng này là do bộ phận Kiểm toán Nhà nước xác định rằng dự án cầu Tân Kỳ - Tân Quý nằm ngoài tuyến đường QL1 nên việc xây dựng BOT An Sương - An Lạc sẽ dẫn đến tình trạng thiếu công bằng cho người dân khi trả phí để sử dụng dịch vụ.
Tình trạng hiện nay của dự án đã bị đóng bụi từ lâu, nhiều đoạn tôn bao bên ngoài đã ngả sang màu ố vàng, và bị dán chằng chịt các loại tờ rơi, quảng cáo. Máy móc đã được đơn vị thi công dời đi từ lâu, văn phòng làm việc khóa kín mít, không có bất kì một công nhân nào còn hoạt động. Phía trong công trường, phần bê tông của cây cầu bắc qua kênh xuất hiện nhiều chỗ lồi lõm, vật liệu xây dựng vứt ngổn ngang, và bị gỉ sét do ảnh hưởng của thời tiết.
Để giải quyết tình trạng này, UBND TP Hồ Chí Minh đã giao lại dự án cho các ban ngành tham mưu, báo cáo với UBND TP Hồ Chí Minh cho phép chuyển đổi sang hình thức đầu tư bằng vốn ngân sách để có thể tổ chức lựa chọn nhà đầu tư có tiềm năng tiếp tục xây dựng và hoàn thành dự án.
Cầu Bưng
Công trình cầu Bưng nằm trên đoạn đường Lê Trọng Tấn (nối giữa quận Bình Tân và Tân Phú) bắt đầu xây dựng vào đầu tháng 7 năm 2017, kế hoạch hoàn thành khi đó chỉ là 20 tháng. Tuy nhiên đến nay, công trình cầu Bưng này vẫn chưa thể hoàn thành do những rắc rối từ vấn đề mặt bằng.
Tổng mức đầu tư vào công trình lên tới hơn 514 tỷ đồng, dự án được xây dựng trên đoạn đường huyết mạch, kỳ vọng sẽ giải tỏa áp lực giao thông cho khu phía Tây của Thành phố.
Nhưng do nhiều vấn đề không thể giải quyết dứt điểm, các loại rào chắn công trình bị bỏ ngổn ngang, lấn hết phần mặt đường, tạo ra điểm giao thông dễ tắc nghẽn và tình trạng kẹt xe không những không giảm mà còn xảy ra thường xuyên hơn vào các khung giờ cao điểm.
Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh đã trình UBND TP.HCM về công tác giải phóng, đền bù mặt bằng cho người dân. Dự tính rằng sau khi giải quyết xong các vấn đề còn tồn đọng, đơn vị trực tiếp thi công sẽ cố gắng đẩy nhanh tiến độ xậy dựng. Kỳ vọng sẽ có thể đưa cây cầu Bưng vào sử dụng trước dịp Tết Nguyên đán năm 2021.
Cầu Thủ Thiêm 2
UBND TP Hồ Chí Minh đã phê duyệt dự án Cầu Thủ Thiêm 2 với tổng chiều dài lên đến 1,4km trong đó phần thân cầu dài 885m, thiết kế kiểu dây văng, trụ tháp chính được xây dựng lấy cảm hứng của một cầu Rồng cao 113m, nghiêng hơn về hướng khu đô thị Thủ Thiêm.
Cầu Thủ Thiêm 2 được xây dựng để nối liền quận 1 và khu đô thị Thủ Thiêm (quận 2), bắc qua sông Sài Gòn. Được kỳ vọng sẽ giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông ở giao lộ giữa đường Nguyễn Hữu Cảnh và Tôn Đức Thắng. Nhiều người còn coi cây cầu Thủ Thiêm 2 là biểu tượng giao thông mới của TP Hồ Chí Minh.
Dự án được khởi công vào tháng 2/2015 và dự kiến hoàn thành trong vòng 3 năm nhưng đến nay dự án cầu Thủ Thiêm 2 mới hoàn thành được 50%. Nguyên nhân lớn nhất dẫn đến sự chậm trễ này là do công tác giải phòng mặt bằng đang gặp bế tắc.
Ban Quản lý đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh đã hoàn thành bàn giao một phần mặt bằng thuộc Khu vực nhà ga Ba Son nhưng phạm vi bàn giao quá nhỏ. Vì vậy, dự án xây dựng cầu Thủ Thiêm 2 hiện đang bị tạm dừng và phải chờ đợi Bộ Quốc phòng hoàn thành bàn giao phần đất còn lại mới có thể tục triển khai xây dựng dự án.
Cầu Nam Lý
Dự án xây dựng cầu Nam Lý nằm trên đường Đỗ Xuân Hợp, quận 9, TP Hồ Chí Minh. Đây được kỳ vọng là cây cầu huyết mạch đi qua đường vào cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, các cảng Phú Hữu. Tổng mức đầu tư của dự án là hơn 857 tỷ đồng.
Cây cầu đã được khởi công xây dựng từ năm 2016 nhưng sau gần 4 năm, mới chỉ xây dựng được khoảng 39% theo kế hoạch đề ra. Vấn đề khiến dự án dậm chân tại chỗ cũng đến từ những tranh chấp về mặt bằng.
Cầu Long Kiểng
Cầu Long Kiểm được xây dựng để nối liền hai bên sông Phước Kiểng thuộc huyện Nhà Bè, TP Hồ Chí Minh. Thay thế cho cây cầu sắt cũ lâu năm đã xuống cấp trầm trọng. Dự án được UBND TP Hồ Chí Minh phê duyệt từ tháng 5/2001 với vốn đầu tư gần 600 tỷ đồng. Chủ đầu tư là ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông thành phố.
Cũng như những dự án khác đang phải tạm dừng giữa chừng, nguyên nhân gây nên sự chậm chễ này là do vấn đề giải phóng mặt bằng không được ổn thỏa. Những vấn đề này gây ảnh hưởng rất lớn đến việc đi lại và đời sống của người dân. Khỗi lượng thi công đã hoàn thành được 50% của dự án.
Trước tình hình hiện nay, UBND huyện Nhà Bè sẽ nỗ lực bồi thường giải phóng mặt bằng thỏa đáng cho người dân. Dự kiến sẽ bàn giao xong cho chủ đầu tư vào quý 4/2021 và kỳ vọng sẽ đưa cây cầu vào hoạt động trong năm 2022.
Cầu Tăng Long
Dự án xây dựng cây cầu Tăng Long thuộc địa bàn quận 9, TP Hồ Chí Minh có tổng mức đầu tư là xấp xỉ 450 tỉ đồng. Được khởi công xây dựng từ tháng 12 năm 2017 và dự kiến hoàn thành và đưa vào sử dụng cuối năm 2019.
Cầu Tăng Long nối liền hai bên rạch Trau Trảu, thuộc đoạn đường Lã Xuân Oai. Tổng chiều dài dự án là 790 m, chiều dài cây cầu là 231 m. Được chia thành bốn làn xe có lề bộ hành ở hai bên, tốc độ tối đa cho phép là 60km/h.
Theo dự định quy hoạch ban đầu của dự án sẽ có làn đường dân sinh hai bên cầu và đường hầm chui từ phía Trường Thạnh. Đoạn đường từ Khu công nghệ cao hướng sang chỉ xây dựng đường dẫn và vỉa hè. Cầu Tăng Long khi xây dựng xong sẽ đáp ứng được cả yêu cầu về giao thông đường thủy.
Nhưng đến nay, dự án cầu Tăng Long phải dừng thi công phần lớn là do vấn đề về mặt bằng. Tổng khối lượng công trình đã xây dựng được chưa tới 30%.