Những bước tiến lớn trong công cuộc chuyển đổi số tại Việt Nam
Những bước tiến lớn trong cô...
Subscribe to Newsletter

Những bước tiến lớn trong công cuộc chuyển đổi số tại Việt Nam

21 December 2020
2476
8 min.
5
Những bước tiến lớn trong công cuộc chuyển đổi số tại Việt Nam

Không chỉ dừng lại ở những chiến lược trên lí thuyết, chuyển đổi số đã diễn ra ngày càng mạnh mẽ và ăn sâu vào đời sống xã hội Việt Nam

Trong cuốn sách nổi tiếng “Cường quốc trong tương lai” của tác giả người Nhật bản - Hamada Kazuyuki đã dự đoán rằng Việt Nam sẽ lọt vào trong top 20 nền kinh tế dẫn đầu thế giới vào năm 2030. 

Dự đoán này của ông căn cứ vào nhiều nguyên nhân khác nhau. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất khiến tác giả - một người Nhật Bản - cảm thấy ấn tượng mạnh mẽ chính là khát khao và nội lực vươn mình ra biển lớn của các doanh nghiệp công nghệ số tại Việt Nam. 

Sự phát triển của các ngành công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) cũng được được dự báo sẽ là một trong những động lực quan trọng để đưa đất nước hình chữ S trở thành cường quốc. 

Chúng ta vẫn còn 10 năm nữa để kiểm chứng tính những dự đoán của tác giả. Việt Nam đang cho toàn thế giới thấy khát vọng, nỗ lực ngày càng lớn mạnh để xứng tầm với một quốc gia hùng cường thịnh vượng. 

Công nghệ số được nhìn nhận như là con đường duy nhất có thể đưa Việt Nam đến được với mục tiêu lớn lao. Chuyển đổi số chính là bước lấy đà đầu tiên trên con đường dài hiện thực hóa khát vọng đó. 

Đại dịch Covid-19 như một cú huých chuyển mình mạnh mẽ

Chuyển đổi số giúp toàn thế giới vượt qua được đại dịch. Thông điệp rõ ràng này đã được không chỉ tại Việt Nam mà còn nhiều quốc gia phát triển khác trên thế giới khẳng định tại Hội nghị và Triển lãm Thế giới số năm 2020 (ITU Digital World 2020). 

Ngành công nghệ thông tin đang ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong việc giúp thế giới chống chọi lại với đại dịch. Nhờ hạ tầng công nghệ thông tin mà thế giới vẫn đủ sức để vận hành, dòng chảy kinh tế và xã hội không bị đứt gãy. 

Đặc biệt trong bối cảnh đại dịch nhiều biến động, không thể lường trước, Internet đã trở thành công cụ hiệu quả nhất, và duy nhất, để đảm bảo cho sự kết nối của mọi người, bất chấp quy trình giãn cách xã hội. 

Covid-19 được giới chuyên gia coi như “cú huých trăm năm có một cho chuyển đổi số quốc gia”, mang đến cơ hội to lớn để thúc đẩy ngành công nghệ thông tin, chuyển đổi số các hoạt động sản xuất, dịch vụ và các hoạt động thương mại.

Chuyển đổi số đã trở thành một xu thế không thể đảo ngược, mở ra cơ hội phát triển chưa từng có dành cho mỗi nền kinh tế, mỗi quốc gia, mỗi tổ chức và mỗi cá nhân. 

Đối với Việt Nam, năm 2020 trở thành một năm quan trọng của ngành ICT tại Việt Nam. Trong tháng 6 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã thông qua Chương trình Quốc gia về Chuyển đổi số, chính thức coi trọng chương trình chuyển đổi số quốc gia như một cuộc cách mạng toàn đất nước, toàn dân và toàn diện. 

Việt Nam chúng ta coi các nền tảng công nghệ là cách để thúc đẩy nhanh công cuộc chuyển đổi số quốc gia, coi công nghệ mở và an ninh mạng là những yếu tố chính để tạo ra niềm tin vào công nghệ số, cải cách thể chế trở thành yếu tố tiên quyết cho chuyển đổi số. 

Đi đầu bằng khẩu hiệu "Make in Vietnam"

Trong năm 2020 vừa qua, Bộ Thông tin & Truyền thông đã thực hiện và cụ thể hóa hơn thông điệp “Make in Vietnam”. Đây là khẩu hiệu  được tạo ra nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp ICT ở trong nước. Mục đích của slogan là truyền tải được ý nghĩa cốt lõi, chiến lược, lời kêu gọi và sự chuyển dịch, định hướng phát triển mới của các doanh nghiệp công nghệ số tại Việt Nam. 

Nhờ khẩu hiệu “Make in Vietnam”, đất nước ta đã trở thành một trong những quốc gia hiếm hoi đầu tiên trên thế giới thực hiện thử nghiệm thương mại dịch vụ mạng 5G bằng thiết bị tự sản xuất trong nước. Cũng nhờ có tinh thần bất diệt này, Việt Nam đã chủ động hơn trong việc nghiên cứu và phát triển ứng dụng theo dõi y tế Bluezone - góp phần không nhỏ vào công cuộc phòng chống, đẩy lùi đại dịch Covid-19.

Suốt nửa năm đã qua, cứ mỗi tối thứ 6 hàng tuần, Bộ TT&TT lại cho công bố một sản phẩm công nghệ số make in Việt Nam. Cũng từ hành động này, những sản phẩm và dịch vụ như phần mềm biến giọng nói thành văn bản (VAIS), phần mềm họp trực tuyến (Zavi, CoMeet), công nghệ chuỗi khối (akaChain), nền tảng lập trình cho giao tiếp (Stringee), nền tảng tự động hóa quy trình bằng robot (akaBot),...xuất hiện và đóng góp rất lớn cho quá trình chuyển đổi số.

Việt Nam hiện nay đã có tới 4 nền tảng mạng xã hội có trên 1 triệu người dùng thường xuyên. Trong đó bao gồm Zalo hiện đang là mạng xã hội nội địa lớn nhất tại Việt Nam với số lượng thành viên lên tới con số 60 triệu người, tiếp theo sau đó là mạng xã hội Mocha, Gapo, Lotus.

Thời gian trước đây, chúng ta không đủ sức mạnh tự kiểm soát được cuộc chơi và hoàn toàn phụ thuộc vào các nền tảng bên ngoài, phải mua lại dữ liệu từ các doanh nghiệp nước ngoài. Sự nổi lên mạnh mẽ của các mạng xã hội nội địa sẽ góp phần rất lớn giúp Việt Nam làm chủ về công nghệ, tạo nên tiền đề vững chắc cho sự phát triển lâu dài của nền kinh tế số. 

Đối với ngành bưu chính, sự xuất hiện của mã bưu chính quốc gia (VPostcode) sẽ gây dựng nên hạ tầng địa chỉ số về tới tận tay các hộ gia đình, từ đó thương mại điện tử và nền kinh tế số cũng được khơi thông.

Hạ tầng số là các sản phẩm “Make in Vietnam” đã sẵn sàng cho công cuộc chuyển đổi kinh tế số, xã hội số. 

Thông qua chiến lược “Make in Vietnam" của chính phủ, Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội xây dựng nền kinh tế tự chủ, cải thiện được chất lượng tăng trưởng và trở thành những mắt xích quan trọng hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Khám chữa bệnh từ xa thay đổi hoàn toàn ngành y tế

Vào tháng 9 năm nay, Bộ Y tế đã cho ra mắt hơn 1.000 địa điểm khám chữa bệnh từ xa. Đây là một phần nằm trong Đề án Khám, chữa bệnh từ xa kéo dài 5 năm từ 2020 đến 2025. 

Nền tảng hỗ trợ khám chữa bệnh từ xa của Việt Nam rất hiện đại, có chất lượng tương đương với các cường quốc trên thế giới. Nhờ đó mà các bác sĩ thuộc tuyến dưới có thể dễ dàng tiếp cận công nghệ mới. 

Nhờ có chương trình Khám chữa bệnh từ xa - Telehealth, các bác sĩ tuyến trên không phải vất vả vượt qua quãng đường hàng trăm cây số và bác sĩ tuyến dưới cũng có thể tự mình giải quyết được các ca bệnh khó. 

Trong thời gian sắp tới đây, đề án này sẽ được triển khai mở rộng với hơn 14.000 điểm khám, chữa bệnh. Telehealth được kỳ vọng sẽ còn phát triển mạnh hơn nữa trong bối cảnh Việt Nam chính thức được thương mại hóa cộng nghệ mạng 5G.

Không chỉ dừng lại ở Telehealth, ngành y tế cũng đã phát triển ứng dụng VOV BACSI24 - một nền tảng tư vấn sức khỏe online. Nền tảng này có thể giúp người dân liên hệ với các bác sĩ thuộc nhiều chuyên khoa khác nhau tại bất kì địa điểm, thời gian nào, thông qua internet.

Việc có hơn 1.000 điểm cầu khám chữa bệnh và ứng dụng tư vấn sức khỏe online là một bước tiến lớn của ngành y tế Việt Nam trong công cuộc chăm sóc sức khoẻ của toàn dân. 

Không chỉ tích cực chuyển đổi số trong ngành y tế, những dự án này hứa hẹn sẽ giúp cho người dân ở tuyến dưới được tiếp cận với dịch vụ y tế chất lượng cao hơn ngay tại địa phương, giảm tình trạng quá tải cho các bệnh viện lớn, thu hẹp khoảng cách giữa tuyến trên và tuyến dưới. Điều này có ý nghĩa đặc biệt to lớn trong khi đại dịch Covid-19 chưa hề có một dấu hiệu giảm nhiệt.

Học trực tuyến đem lại nhiều kết quả tích cực

Học trực tuyến hay còn gọi là E-learning đã ra đời từ lâu và dần trở thành một xu hướng tất yếu trên toàn thế giới nói chung cũng như ở Việt Nam nói riêng. Điều này càng được khẳng định chắc chắn hơn trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hiện nay.

Việc học trực tuyến giúp cả người học và người dạy tiết kiệm được chi phí và thời gian, làm tăng hứng thú học tập của người học nhờ sự xuất hiện của các bài giảng sinh động, trực quan… Quan trọng hơn hết là các nền tảng học trực tuyến đã góp phần giúp cho hàng triệu học sinh, sinh viên Việt Nam có thể tiếp tục duy trì việc học tập bình thường dù phải thực hiện giãn cách xã hội.

Gần một nửa số trường đại học tại Việt Nam đã tiến hành dạy học trực tuyến trong thời điểm đại dịch bùng phát. Ở những vùng sâu, khó khăn, nhiều thầy cô giáo đã quay video bài giảng và gửi lên Facebook, YouTube, Zalo và các nền tảng khác nhằm tạo giúp học sinh không bị gián đoạn việc học.

Sự phát triển mạnh mẽ của các mô hình học tập online tại Việt Nam thậm chí còn được các tổ chức uy tín trên toàn cầu đánh giá rất cao.

Theo báo cáo PISA của OECD - Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế, việc học online tại Việt Nam có nhiều điểm sáng hơn khi so sánh với các quốc gia và vùng lãnh thổ khác. 

Trong thời gian đầu khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, 79,7% học sinh Việt Nam đã được tiếp cận với hình thức học trực tuyến, mức trung bình chung khi đó của các nước thành viên trong OECD chỉ là 67,5%. Đây là một trong những tiền đề quan trọng giúp từng bước chuyển đổi số ngành giáo dục tại Việt Nam. 

Nhìn nhận một cách tổng quát, chuyển đổi số đang cho thấy ảnh hưởng ngày một lớn lên đời sống, văn hóa của từng người dân Việt Nam, ở tất cả mọi ngành nghề và lĩnh vực.

Bên cạnh chiến lược chuyển đổi số quốc gia, ngọn lửa tham vọng của Việt Nam đang ngày càng rực cháy hơn, để có thể hiện thực hóa được mục tiêu trở thành một cường quốc công nghiệp, phát triển theo hướng hiện đại hóa nhờ công nghệ số. 

Những số liệu thống kê uy tín

  • Ngành CNTT-TT có tốc độ tăng trưởng doanh thu toàn ngành cao hơn tăng trưởng GDP của cả nước, đạt khoảng 2,65 triệu tỷ đồng.
  • Việt Nam xếp hạng 45/172 quốc gia về chỉ số tích hợp phát triển bưu chính (2IPD) do Liên minh Bưu chính Thế giới công bố.
  • Việt Nam xếp thứ 50/194 quốc gia về chỉ số an toàn thông tin toàn cầu (GCI) năm 2018 của Liên minh Viễn Thông Quốc tế (ITU).
  • Việt Nam xếp thứ 88/193 quốc gia về chỉ số phát triển chính phủ điện tử (EGDI) của Liên hơp quốc.
  • Việt Nam xếp thứ 45/126 quốc gia về chỉ số đổi mới sáng tạo năm 2018 của Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO).
  • Việt Nam xếp thứ 77/140 quốc gia theo báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cẩu năm 2018 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF).
Section:

Tin tức Việt Nam


GlobalVN.biz News là nơi cập nhật thông tin mới nhất, cập nhật nhất về các sự kiện nổi bật đã diễn ra trong khu vực. Nhiệm vụ của news feed của nguồn là truyền tải đến người đọc thông tin về các sự kiện quan trọng trong kinh doanh, chính trị, kinh tế, y tế, văn hóa và các lĩnh vực khác của đời sống tại Việt Nam với độ chính xác và khách quan tối đa.
GlobalVN. biz news là tin tức về các quá trình kinh tế, diễn ra ở Việt Nam, những tin tức mới nhất về đời sống xã hội, các sự kiện và tổng quan về các sự kiện chính trị. Tin tức Việt Nam là thông tin về hoạt động của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, công việc của nhà ở và dịch vụ xã hội, và việc thực hiện các dự án quan trọng. Các nhà báo của trang web không chỉ mô tả cuộc sống của khu vực mà còn nói về tình trạng hiện tại của nền kinh tế Việt Nam. Mọi thứ bạn cần biết về những đổi mới trong lĩnh vực công nghiệp và nông nghiệp, kinh tế và chính phủ đều được thu thập trong mục "Tin tức" trên GlobalVN.biz.
Tin tức Việt Nam thông tin kịp thời đến người đọc, phản ánh bức tranh thực tế và gợi mở những vấn đề thời sự. Giao tiếp với các cơ cấu chính phủ và doanh nghiệp cho chúng tôi cơ hội cung cấp cho độc giả những tài liệu đáng tin cậy, giàu thông tin.
Trang chính của cổng thông tin chứa các tin tức quan trọng của Việt Nam!
Alena Potapova

Development Director
Population
8118004258
Died this year
17932196
Born this year
44116376