Theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, giá trị văn hóa, con người Việt Nam là nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng đảm bảo sự phát triển bền vững.
Chiều 6/9, tại Hội nghị Toàn quốc lần thứ nhất Triển khai Luật, Nghị quyết của Quốc hội khóa XV, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy nhấn mạnh, giá trị văn hóa, con người Việt Nam là nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng đảm bảo sự phát triển bền vững đất nước.
Hoàn thiện thể chế là nhiệm vụ trọng tâm
Theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các nhiệm vụ, giải pháp nhằm đáp ứng yêu cầu hoàn thiện thể chế văn hóa luôn xác định rõ quan điểm, con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng, là mục tiêu của sự phát triển. Giá trị văn hóa, con người Việt Nam là nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng đảm bảo sự phát triển bền vững.
Đến nay, hệ thống pháp luật về văn hóa đã từng bước thể chế hóa chủ trương của Đảng về mục tiêu xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững đất nước.
Để kịp thời thể chế hóa các quan điểm, đường lối của Đảng, kết luận của Hội nghị toàn quốc về văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chủ động triển khai và rà soát, đánh giá thực trạng thực thi pháp luật, phát hiện những tồn tại, hạn chế, phân tích nguyên nhân, đề ra giải pháp cụ thể để xây dựng đề án tiếp tục xây dựng pháp luật về văn hóa, gia đình giai đoạn 2021-2026.
Bên cạnh đó, Bộ đã ban hành Kế hoạch hành động, thực hiện kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc và Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030, trong đó, hoàn thiện thể chế được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.
Cùng với việc tham gia tổng kết các chủ trương, chính sách của Đảng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục sơ kết, tổng kết, rà soát tổng thể các văn bản pháp luật hiện hành, nghiên cứu cơ sở lý luận, thực tiễn, phân lộ trình phù hợp để xem xét sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật.
Bộ đã và đang rà soát, nghiên cứu đề xuất hoàn thiện các chính sách ưu đãi đầu tư, về thuế, đất đai, cơ chế tài chính, cơ chế khuyến khích sáng tạo trong các luật chuyên ngành để tạo điều kiện huy động tối đa nguồn lực cho phát triển văn hóa.
Về tổng quan hệ thống pháp luật của ngành và yêu cầu đặt ra cho công tác lập pháp, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy cho biết, công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã được thực hiện chủ động, đảm bảo yêu cầu đề ra và sẽ tiếp tục khắc phục các vướng mắc để nâng cao hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới.
Kịp thời giải quyết vướng mắc cho các cơ sở y tế
Trước đó, tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã thông tin về tình hình triển khai Luật Khám bệnh, chữa bệnh; Nghị quyết việc tiếp tục thực hiện một số chính sách trong phòng, chống dịch COVID-19 và sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 1/1/2023 đến ngày 31/12/2024; công tác chuẩn bị triển khai Nghị quyết 99/2023/QH15 giám sát chuyên đề của Quốc hội về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19, việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.
Về tình hình triển khai Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, Bộ Y tế đã tham mưu để Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết thi hành và kế hoạch triển khai Luật. Trong đó, để bảo đảm Luật được thực hiện thống nhất, đầy đủ, đồng bộ trên phạm vi cả nước, Thủ tướng Chính phủ đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và địa phương.
Bộ Y tế đã tổ chức hai hội nghị toàn quốc phổ biến, quán triệt luật với sự tham gia của hơn 420 cơ quan, đơn vị và hơn 2.000 điểm cầu kết nối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên toàn quốc... phối hợp với các cơ quan báo chí đưa tin, bài, tổ chức tọa đàm giới thiệu về Luật và xuất bản sách về Luật đến nhân dân...
Về tình hình tổ chức triển khai Nghị quyết số 80/2023/QH15, đối với thanh toán chi phí phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, Bộ Y tế đã thông báo số kinh phí chuyển nguồn phòng, chống dịch đã giao dự toán đến hết năm 2022. Theo đó, số kinh phí phục vụ công tác phòng, chống COVID-19 còn dư được tiếp tục thực hiện trong năm 2023 là hơn 3.049 tỷ đồng.
Các đơn vị đã đề nghị ngân sách nhà nước hoàn trả các khoản phải chi nhưng chưa chi, các khoản đã sử dụng từ nguồn thu của đơn vị để chi cho phòng, chống dịch COVID-19 năm 2022 với tổng kinh phí dự kiến là 105 tỷ đồng.
Bộ Y tế và các bộ, ngành, địa phương đang tiếp tục rà soát, thanh toán chi phí phòng, chống dịch cho cơ sở y tế và chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho người bệnh COVID-19 theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế đang hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về việc điều chuyển thuốc, vật tư, sinh phẩm đã mua từ nguồn ngân sách nhà nước cho phòng, chống dịch COVID-19 sang nguồn thu dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh để trình Chính phủ xem xét, ký ban hành.
Về sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 1/1/2023 đến ngày 31/12/ 2024, Bộ Y tế đã có 9 đợt công bố danh mục thuốc. Trong đó, thuốc hóa dược được công bố là 11.381 thuốc; thuốc y học cổ truyền được công bố là 336 thuốc. Tổng số thuốc có đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc còn hiệu lực tại thời điểm hiện nay khoảng 22.000 thuốc.
Bộ Y tế đề nghị Quốc hội quan tâm, chỉ đạo các Ủy ban của Quốc hội tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế trong quá trình soạn thảo, hoàn thiện các dự án Luật đang trong quá trình xây dựng, đặc biệt là dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, trình Quốc hội trong năm 2024.
Bộ Y tế mong muốn Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tăng cường nguồn lực đầu tư, đổi mới cơ chế phân bổ, sử dụng hiệu quả kinh phí xây dựng và thi hành pháp luật theo Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.
Bộ Tư pháp tiếp tục phối hợp các bộ, ngành, chủ động rà soát nội dung giao quy định chi tiết thi hành của luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho áp dụng theo trình tự, thủ tục rút gọn trong việc xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết; nghiên cứu, đề xuất cơ chế chính sách đột phá, đổi mới cơ chế phân bổ, sử dụng hiệu quả kinh phí xây dựng và thi hành pháp luật.
Các bộ, ngành, Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế để thống nhất giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, hướng dẫn thực hiện các nghị quyết của Quốc hội để kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc cho các cơ sở y tế./.
Một nguồn: https://www.vietnamplus.vn/huy-dong-nguon-luc-phat-trien-gia-tri-van-hoa-con-nguoi-viet-nam/892806.vnp
Nguồn ảnh: cdnimg.vietnamplus.vn