Chi phí thuê máy bay của Vietnam Airlines là 30 triệu USD/tháng, của Vietjet là 20 triệu USD/tháng. Tổng chi phí thuê máy bay của các hãng hàng không Việt Nam lên đến hơn 1000 tỷ đồng/tháng
Bộ Tài chính đưa ra những con số thống kê này tại dự thảo Tờ trình giảm 30% tiền thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay.
Theo những ý kiến của Bộ Tài chính, đại dịch Covid-19 đã gây ra những thiệt hại rất nghiêm trọng đối với ngành hàng không, số chuyến bay và số lượng khách hàng sụt giảm sâu. Theo những báo cáo của hãng hàng không Vietnam Airlines, ước tính đến hết năm 2020, số chuyến bay giảm khoảng 32,7 nghìn chuyến, giảm 88,2% so với kế hoạch đề ra; số lượng hành khách giảm 5,67 triệu khách hàng, giảm 89,3% so với kế hoạch đề ra.
Kết quả 10 tháng đầu năm 2020, du khách quốc tế đến Việt Nam chỉ đạt con số 3.803 nghìn du khách, giảm khoảng 73,8% so với cùng kỳ năm 2019. Không chỉ doanh thu sụt giảm nghiệm trọng, các hãng hàng không ngoài ra còn phải gia tăng chi phí cố định để tiếp tục duy trì doanh nghiệp hoạt động.
Các khoản chi phí cố định phát sinh bao gồm chi phí đậu đỗ, chi phí thuê máy bay và các chi phí chi thường xuyên khác. Theo số liệu thống kê được từ các hãng hàng không trong nước, ước tính tổng chi phí thuê máy bay mỗi tháng của hãng hàng không Vietnam Airlines là khoảng 30 triệu USD, với Vietjet Air là khoảng 20 triệu USD; Chi phí đậu đỗ sân bay mỗi tháng của Vietnam Airlines vào khoảng 6 tỷ đồng; của Vietjet là khoảng 3,6 tỷ đồng; Bamboo Airways là 1,24 tỷ đồng.
Doanh thu các hãng hàng không giảm rất sâu. Dự kiến đến hết năm 2020, doanh thu của hãng hàng không Vietnam Airlines giảm tới 49,3 nghìn tỷ đồng và số tiền lỗ lên đến hơn 16 nghìn tỷ đồng, dòng tiền lưu động của hãng hàng không này dự kiến sẽ thiếu hụt lũy kế gần 17 nghìn tỷ đồng trong năm 2020.
Bộ Tài chính đề xuất, để hỗ trợ các hãng hàng không giảm bớt gánh nặng về kinh tế, cần phải tiếp tục áp dụng mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay ở mức 2.100 đồng/lít đến hết năm 2021, mức thuế này góp phần tháo gỡ khó khăn về dòng tiền cho ngành hàng không Việt Nam; gián tiếp thúc đẩy sự phát triển của một số ngành khác như du lịch, dịch vụ, thương mại…
Tuy nhiên, biện pháp giảm thuế này sẽ làm cho số tiền thu từ thuế bảo vệ môi trường sụt giảm khoảng 860-960 tỷ đồng/năm.