Tiến sỹ Phạm Xuân Viết, Phó Cục trưởng Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế), nêu rõ bệnh án điện tử là một trong nhiều mục tiêu chiến lược chuyển đổi số y tế quốc gia.
Sáng 14/6, tại Ninh Thuận, Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo, Trung tâm Thông tin y tế quốc gia (Bộ Y tế) phối hợp với Ban Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Thuận tổ chức Hội nghị chia sẻ kinh nghiệm về bệnh án điện tử tại bệnh viện.
Hội nghị có sự tham dự của hơn 300 đại biểu gồm đại diện Bộ Y tế, lãnh đạo Bệnh viện Nhi Đồng 2 - Thành phố Hồ Chí Minh, Bệnh viện Đa khoa các tỉnh khu vực miền Trung, Tây Nguyên, Nam Trung bộ…
Tại hội nghị, Tiến sỹ Phạm Xuân Viết, Phó Cục trưởng Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế), nêu rõ bệnh án điện tử là một trong nhiều mục tiêu chiến lược chuyển đổi số y tế quốc gia.
Năm 2023, Bộ Y tế đã có Thông tư số 46/2018/TT-BYT hướng dẫn và đề nghị các bệnh viện hạng I trở lên phải triển khai bệnh án điện tử.
Từ năm 2024-2028, các cơ sở khám, chữa bệnh phải triển khai hồ sơ bệnh án điện tử. Trong dự thảo mới đây, Bộ Y tế cũng đề xuất đến hết năm 2025, tất cả bệnh viện trên cả nước áp dụng hồ sơ bệnh án điện tử.
Trên cơ sở đó, hội nghị là cơ hội để các bệnh viện tuyến tỉnh, trung tâm y tế các tỉnh, thành cùng giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm về những kết quả đạt được, những khó khăn, hạn chế trong thực hiện hồ sơ bệnh án điện tử. Từ đó cùng tìm ra giải pháp tối ưu, phát triển toàn diện hệ thống bệnh án điện tử theo đúng lộ trình của Bộ Y tế đưa ra.
Hội nghị sẽ là nền tảng, động lực để các bệnh viện trong toàn quốc nhanh chóng triển khai thành công bệnh án điện tử, tiến tới không dùng bệnh án giấy và thanh toán viện phí không dùng tiền mặt trong thời gian sớm nhất, đem lại lợi ích cho người dân và ngành Y tế.
Tại hội nghị, các đại biểu đưa ra nhiều báo cáo chuyên đề và cùng trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm trong triển khai bệnh án điện tử tại bệnh viện.
Các đại biểu cũng thống nhất phương châm: Chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin y tế lấy người bệnh, người dân là trung tâm, mục tiêu phục vụ; chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin phải thực hiện một cách tổng thể, toàn diện và có trọng tâm, trọng điểm, đáp ứng yêu cầu hỗ trợ đắc lực trong công tác quản lý, cung cấp dịch vụ.
Đồng thời, tăng cường truyền thông về lợi ích của chuyển đổi số để các cơ quan, đơn vị, người dân hiểu rõ về lợi ích và hiệu quả của chuyển đổi số y tế…
Thạc sỹ, bác sỹ chuyên khoa II Lê Huy Thạch, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Thuận cho biết triển khai bệnh án điện tử là bước đột phá quan trọng để chuyển đổi số hóa ngành Y tế khi mọi thông tin quy trình chuyên môn, thực hiện y lệnh, tiền sử, thông tin và diễn biến điều trị của người bệnh đều được số hóa, liền mạch, tăng độ chính xác để đưa ra hướng điều trị phù hợp cho bệnh nhân, tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.
Đối với Bệnh viện Đa khoa tỉnh, từ năm 2020, Ban Giám đốc bệnh viện đã sớm thực hiện hồ sơ bệnh án điện tử. Bệnh viện đã tham quan và học tập kinh nghiệm tại nhiều cơ sở y tế về công tác xây dựng, đồng bộ hạ tầng công nghệ thông tin.
Ở mỗi giai đoạn, Bệnh viện luôn xác định “bệnh án điện tử đem lại rất nhiều lợi ích, không chỉ cho nhân viên y tế mà còn mang đến sự hài lòng và đảm bảo an toàn thông tin cho người bệnh.”
Thạc sỹ, bác sỹ chuyên khoa II Lê Huy Thạch chia sẻ, cuối năm 2021, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã thẩm định thành công hồ sơ và bắt đầu thí điểm triển khai bệnh án điện tử thay bệnh án giấy theo quy định của pháp luật.
Bệnh viện tỉnh tiếp tục phấn đấu hoàn thành các mục tiêu chuyển đổi số, tạo nền tảng vững chắc cho các năm tiếp theo, hướng đến xây dựng một nền y tế hiện đại, thông minh./.
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/de-xuat-den-het-nam-2025-ap-dung-ho-so-benh-an-dien-tu-tren-ca-nuoc-post959077.vnp