Sự nở rộ của các gian hàng ngoại trên các sàn thương mại điện tử Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người tiêu dùng dễ dàng mua hàng từ quốc tế nhưng cũng nảy sinh nhiều bất cập
Theo báo cáo thống kê của Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số (trực thuộc Bộ Công Thương), thương mại điện tử Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng trong năm 2020 với mức tăng 18%, quy mô thị trường đạt hơn 11,8 tỷ USD, ước đạt 5,5% tổng mức doanh thu ngành bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước.
Dự kiến đến năm 2025, quy mô của thị trường thương mại điện tử Việt Nam sẽ còn tăng trưởng mạnh, đạt con số 35 tỷ USD. Song thị trường này vẫn đang tồn tại nhiều bất cập, nhất là về vấn đề chất lượng hàng hóa và niềm tin của người người mua dành cho thương mại điện tử còn chưa vững vàng.
Lợi thế giá rẻ của shop nước ngoài
Thường xuyên mua hàng trên sàn thương mại điện tử Shopee, một khách tiêu dùng cho biết gần đây cô thường chọn mua sản phẩm từ những gian hàng nước ngoài thay vì chọn mua từ các gian hàng trong nước như trước.
"Shop quốc tế chủ yếu là các gian hàng nguồn gốc từ Trung Quốc mẫu mã đẹp, giá lại rẻ hơn so với những gian hàng trong nước, mua hàng quốc tế cũng có nhiều chương trình giảm giá và miễn phí vận chuyển."
Vào mùa đông năm ngoái, người khách này đặt mua một đôi giày với giá khoảng 120.000 đồng. "Tuy giá rẻ nhưng sản phẩm đi rất thoải mái và bền. Mới đây, tôi vừa đặt một chiếc vòng cổ có giá chỉ 1.000 đồng, sản phẩm cũng giống với hình ảnh trên quảng cáo".
Tuy nhiên theo vị khách, mua hàng ở shop nước ngoài thời gian giao hàng lâu hơn shop trong nước, mất từ 4 ngày đến 1 tuần, thậm chí sẽ lâu hơn trong thường hợp trục trặc như tắc biên hoặc vào dịp nghỉ Tết.
Nhiều người tiêu dùng trước kia còn e ngại khi thấy sản phẩm vận chuyển từ nước ngoài nay cũng đã trở nên quen dần với việc chờ đợi 10-20 ngày để đặt hàng từ shop quốc tế.
Trước đây, để đặt hàng từ Trung Quốc, chị Hồng Mai (Cẩm Phả, Quảng Ninh) phải đặt qua người quen hoặc phải tự tìm cách mày mò trên các trang website nội địa Trung Quốc như 1688, tmall, Taobao. Tuy nhiên, từ khi các sàn thương mại điện tử của Việt Nam cho phép các shop từ quốc tế được phép kinh doanh, chị có thể dễ dàng mua sắm trên các shop quốc tế với giá cả chênh lệch không nhiều, thậm chí có loại sản phẩm còn rẻ hơn và thi thoảng nhận được phí vận chuyển.
"Bây giờ 10 đơn thì có đến 7 đơn tôi mua ở shop nước ngoài, từ quần áo đến các loại đồ gia dụng,... Thỉnh thoảng có đơn không đủ hàng nhưng mình ấn hoàn, trả hàng thì shop cũng trả tiền lại nhanh chóng", chị Phượng nói.
Theo chị, phí vận chuyển khi mua hàng từ nước ngoài sẽ không vượt quá 20.000 đồng. "Thậm chí có đơn còn được giảm xuống 0 đồng nếu áp dụng mã miễn phí vận chuyển", chị nói.
Mặc dù vậy, Nghị định 52 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về thương mại điện tử chưa có quy định đối với chủ thể này. Bộ Công Thương đánh giá người bán nước ngoài đem lại sự phong phú về nguồn cung hàng hóa, tuy nhiên các hoạt động này làm phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực tiễn của thị trường.
"Đặc biệt, trong trường hợp quá trình giao dịch phát sinh tranh chấp hoặc khiếu nại của người sử dụng, quyền, lợi ích của người tiêu dùng sẽ gặp khó khăn lớn, khác biệt cơ bản so với trường hợp phát sinh với các chủ thể có hiện diện tại Việt Nam", Bộ Công Thương trình bày quan điểm.
Theo Bộ Công Thương, điều 67c được bổ sung tại Nghị định 52 sẽ làm rõ trách nhiệm của chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử khi có người bán là người nước ngoài. Theo đó chủ sàn sao dịch thương mại điện tử Việt Nam là người có trách nhiệm xác thực danh tính của người bán nước ngoài khi đồng ý cho các đối tượng này tham gia mua bán hàng hoá tại sàn.
Vậy nên, cơ quan quản lý ngành cho rằng việc xem xét, bổ sung một số quy định liên quan đến hoạt động thương mại điện tử có yếu tố liên quan đến nước ngoài là có cơ sở pháp lý và thực tiễn.