Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết thông thường tín dụng sẽ tăng mạnh vào những tháng cuối năm, vì vậy năm 2024, mục tiêu tăng 15% là hoàn toàn khả thi.
Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy tính đến thời điểm hiện tại, tăng trưởng tín dụng đã đạt hơn 9% (tăng 16% so với cùng kỳ). Đây được cho là tín hiệu tích cực khi tốc độ tăng cao gấp gần 3 lần tốc độ tăng bình quân các tháng đầu năm.
Do đó, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước tin rằng khả năng mục tiêu cả năm 15% có thể đạt được.
Tín dụng phục hồi
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2024 trực tuyến với 63 địa phương diễn ra mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết các động lực tăng trưởng kinh tế từ phía cung và phía cầu đều có sự cải thiện và có sự phục hồi. Tuy nhiên, động lực tiêu dùng chưa được cải thiện nhiều và phản ánh qua tổng mức bán lẻ loại trừ, giá chỉ tăng 5,3% - thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái (8%).
Lạm phát được kiểm soát khá ổn định, khả năng đạt được mục tiêu của năm 2024 đồng thời, đảm bảo bình quân lãi suất cho vay tiếp tục giảm khoảng 0,5%, đồng VND mất giá khoảng 1,66% - đây là mức mất giá phù hợp và cũng tạo điều kiện ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối.
Trước đó, Ngân hàng Nhà nước cho biết tính đến ngày 26/8, tín dụng toàn hệ thống tăng 6,63%.
Như vậy, trong tháng Chín và tuần cuối cùng của tháng Tám, tín dụng tăng 2,37%, cao gấp gần 3 lần so với tốc độ tăng bình quân của 8 tháng (hơn 0,8%/tháng).
Các chuyên gia kinh tế cũng nhận định, với nhiều tín hiệu phục hồi của nền kinh tế, nhu cầu tín dụng dự kiến sẽ tăng mạnh trong thời gian tới.
Tiến sỹ Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Bộ Tài chính) nhận xét nền kinh tế Việt Nam đã có những bước tăng trưởng ấn tượng trong thời gian gần đây tạo đà cho sự lạc quan trên thị trường. Điều này sẽ thúc đẩy nhu cầu vay vốn từ doanh nghiệp và cá nhân khi họ tìm kiếm cơ hội đầu tư và mở rộng sản xuất.
Ngoài ra, ông Độ cũng dự báo rằng tăng trưởng tín dụng trong những tháng tới sẽ tiệm cận với các mục tiêu đề ra, đặc biệt nếu các điều kiện kinh tế tiếp tục cải thiện. Ông cho rằng áp lực tỷ giá giảm và khả năng Ngân hàng Nhà nước có thể giảm lãi suất điều hành sẽ duy trì lãi suất ngân hàng ở mức thấp, tạo điều kiện thuận lợi cho việc vay vốn.
Các chuyên gia cũng phân tích xu hướng tăng lãi suất tiền gửi tiếp tục chững lại, khi chỉ có một vài ngân hàng điều chỉnh tăng nhẹ lãi suất trong tháng Chín. Bước sang tháng Mười, mặt bằng lãi suất của nhiều ngân hàng không thay đổi so với tháng trước, có thể kể đến các ngân hàng như Agribank, Vietcombank, BIDV, VietinBank, VPBank, MB, Techcombank, Sacombank, MSB, HDBank, SHB, TPBank, Nam A Bank, LPBank, Eximbank, ABBank… Mặt bằng lãi suất huy động tại các ngân hàng ổn định cho thấy thanh khoản của hệ thống ngân hàng đang khá dồi dào.
Tăng trưởng kinh tế từ phía cung và phía cầu đều có sự cải thiện và có sự phục hồi. (Ảnh: Vietnam+)
Tuy nhiên, việc cơn bão số 3 (bão Yagi) gây ra nhiều thiệt hại nghiêm trọng khiến nhiều doanh nghiệp mất khả năng trả nợ, có thể làm gia tăng áp lực nợ xấu. Dù vậy, vấn đề này cũng không quá lo lắng vì Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến để hoàn thành dự thảo về cơ cấu nợ cho các khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão lũ.
Mục tiêu 15% liệu có đạt được?
Theo lãnh đạo các ngân hàng bên cạnh những tổ chức tín dụng có sự bứt phá về tăng trưởng tín dụng thì cũng có những ngân hàng vẫn đang gặp khó khăn.
Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm - Tổng Giám đốc Sacombank cho biết dù đã áp dụng nhiều giải pháp và cơ chế thúc đẩy, tuy nhiên tăng trưởng tín dụng của Sacombank vẫn chưa đạt kỳ vọng do một số khó khăn vướng mắc như nhu cầu vốn vẫn khá thấp do tình hình xuất khẩu và tiêu dùng nội địa chưa hồi phục. Nhiều doanh nghiệp thu hẹp quy mô sản xuất, thận trọng với rủi ro nên chưa mạnh dạn sử dụng vốn vay.
Ngoài yếu tố thu nhập người dân giảm sút do kinh tế khó khăn, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm còn chỉ ra nguyên nhân dẫn đến tăng trưởng tín dụng chậm là do sự bùng phát các loại hình cho vay qua ứng dụng với điều kiện cho vay nới lỏng, không cần tài sản thế chấp đã chia số thị phần tín dụng tiêu dùng nên tín dụng tiêu dùng tăng chậm.
Để đạt tăng trưởng tín dụng cả năm ở mức 15%, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm đề nghị, cần tiếp tục kéo giảm chi phí vốn, giảm mặt bằng lãi suất cho vay phù hợp nhằm tăng khả năng tiếp cận vốn. Triển khai các gói tín dụng ưu đãi đối với một số lĩnh vực, ngành nghề cần thúc đẩy theo chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.
Tiếp tục phối hợp với các hiệp hội ngành nghề (Hiệp hội bất động sản, Hiệp hội Điều, càphê, mắc ca…) triển khai các cơ chế về sản phẩm, lãi suất ưu đãi để giúp khách hàng tiếp cận nguồn vốn giá rẻ, tăng trưởng dư nợ…
Còn ông Phạm Hồng Hải, Tổng Giám đốc Ngân hàng Phương Đông đề xuất Ngân hàng Nhà nước xem xét việc quản lý hạn mức tín dụng (room tín dụng) theo hướng linh hoạt hơn, đặc biệt là đối với các ngân hàng được đánh giá tốt. Room tín dụng chỉ nên áp dụng cho những ngân hàng cần sự quản lý chặt chẽ bởi Ngân hàng Nhà nước.
Ngoài ra, có giải pháp tháo gỡ cơ chế chính sách, những nút thắt về thủ tục đầu tư mà hiện nay vẫn đang rất chậm đặc biệt cho các dự án bất động sản. Khi các nút thắt này được giải tỏa, nguồn cung sẽ được cải thiện giúp cho thị trường bất động sản ấm lên tạo tâm lý tích cực cho đầu tư và tiêu dùng.
Còn chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu - Với việc nền kinh tế tiếp tục phục hồi tích cực trong thời gian qua, cộng thêm mặt bằng lãi suất cho vay tiếp tục được giữ ổn định ở mức thấp, tăng trưởng tín dụng năm 2024 sẽ về đích. Tuy nhiên, theo ông Hiếu không phải tăng trưởng tín dụng bằng mọi giá mà phải bảo đảm chất lượng.
“Hiện tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam trên 125%. Các tổ chức quốc tế cũng đã cảnh báo Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ tín dụng/GDP cao nhất trong nhóm nước có thu nhập trung bình. Chúng ta cần chính sách kích cầu và biện pháp kích cầu tốt hơn là chính sách tài khóa. Vì vậy để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới, chính sách tài khóa tiếp tục giữ vai trò chủ lực, mở rộng có trọng tâm, trọng điểm, gắn với đẩy mạnh giải ngân đầu tư công. Đối với chính sách tiền tệ theo hướng chủ động, linh hoạt, tăng khả năng tiếp vốn cho doanh nghiệp,” ông Hiếu đề xuất.
Đối với cơ quan chủ quản, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết ngành Ngân hàng đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tích cực rà soát tình hình tài chính và chuẩn bị sẵn sàng tài liệu sẽ tổ chức lễ chuyển giao 2 ngân hàng 0 đồng cho một giai đoạn dài khó khăn. Hai ngân hàng còn lại, Ngân hàng Nhà nước cũng đang chỉ đạo các đơn vị hoàn thiện nhanh để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Để khơi thông dòng vốn tín dụng, Thống đốc cho rằng do 98% doanh nghiệp ở nước ta là nhỏ và vừa, vì vậy cần có đánh giá để tăng cường bảo lãnh tín dụng đối với các doanh nghiệp này, từ đó tạo khơi thông dòng vốn tín dụng.
Bà Hồng cũng cho biết thông thường, tín dụng sẽ tăng mạnh vào những tháng cuối năm, vì vậy mục tiêu tăng 15% của năm 2024 là hoàn toàn khả thi./.
Một nguồn: https://www.vietnamplus.vn/tang-truong-tin-dung-dat-cao-muc-tieu-tang-truong-15-hoan-toan-kha-thi-post983372.vnp#google_vignette
Nguồn ảnh: Pinterest