Kiến trúc tổng thể hướng tới Bộ Tài chính số có mục tiêu: Tới năm 2030 sẽ thiết lập hệ thống Tài chính số hóa hoàn toàn và nền tài chính thông minh
Kiến trúc tổng thể hướng tới Bộ Tài chính số đã được ban hành với mục đích: "Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của ngành Tài chính và chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp. Dựa trên dữ liệu lớn và dữ liệu mở hướng tới Tài chính số với mục tiêu lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm. Tạo nền tảng cho ngành Tài chính tiếp cận, nắm vai trò chủ động, kiến tạo trong việc chuyển đổi sang nền tài chính số hiện đại tại Việt Nam".
Kiến trúc tổng thể này sẽ là căn cứ để xây dựng kế hoạch triển khai ứng dụng CNTT ngành Tài chính, nhằm hướng tới thiết lập Bộ Tài chính số, với lộ trình cụ thể cho 2 chặng đường.
Xây dựng Tài chính số dựa trên dữ liệu và dữ liệu mở
Giai đoạn 2021 – 2025, ngành Tài chính sẽ tiếp tục hoàn thiện xây dựng Chính phủ điện tử của ngành hướng tới Bộ Tài chính số, Bộ Tài chính phục vụ, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm và nâng cao hiệu quả hoạt động toàn ngành thông qua Chính phủ số và các công cụ số hóa. Mục tiêu của giai đoạn này là xây dựng tài chính điện tử, tài chính số dựa trên dữ liệu và dữ liệu mở.
Ngành Tài chính còn hoàn thiện hệ thống quản lý văn bản pháp quy toàn ngành; hoàn thiện hệ thống quản lý văn bản điều hành, hồ sơ công việc liên thông toàn ngành; xây dựng hệ thống điều hành dựa trên số hóa, tích hợp các công cụ cộng tác và văn bản trong ngành tài chính.
Đồng thời, xây dựng hệ thống hiện đại hóa báo cáo tích hợp ngành tài chính; hoàn thiện hệ thống thông tin một cửa điện tử Bộ Tài chính; xây dựng và hoàn thiện một loạt hệ thống thông tin lớn của ngành.
Bộ Tài chính cũng sẽ thí điểm ứng dụng trí tuệ nhân tạo và trợ lý ảo trong một số hoạt động nghiệp vụ chủ chốt và hoạt động chỉ đạo điều hành. Hoàn thành xây dựng nền tảng chia sẻ, tích hợp dịch vụ ngành Tài chính. Xây dựng xong Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài chính, thí điểm công nghệ Big Data. Hoàn thành xây dựng “đám mây” ngành Tài chính ở mức nền tảng như một dịch vụ, cung cấp các APIs cho các bên thứ ba để tạo các dịch vụ tài chính thông minh…
Thiết lập hệ thống Tài chính số hóa hoàn toàn vào năm 2030
Với giai đoạn 2026 - 2030, ngành Tài chính hướng tới việc tiếp tục hoàn thiện các hệ thống thông tin phục vụ xây dựng văn phòng không giấy tờ; xây dựng nền tảng Tài chính số dựa trên dữ liệu và dữ liệu mở.
Thiết lập hệ sinh thái ngành Tài chính số trong đó Chính phủ đóng vai trò kiến tạo và kết nối với các bên thông qua việc mở, chia sẻ dữ liệu và các nền tảng số hóa để cho phép nhiều bên tạo ra các dịch vụ Tài chính thông minh. Tất cả hướng tới mục tiêu là thiết lập hệ thống Tài chính số hóa hoàn toàn và nền tài chính thông minh.
Để thực hiện các mục tiêu trong giai đoạn này, ngành Tài chính sẽ phát triển hệ thống điều hành thông minh, xây dựng các ứng dụng thông minh hỗ trợ nghiệp vụ. 100% các dịch vụ cung cấp cho người dân, doanh nghiệp được “cung cấp chủ động” do nhiều bên theo mô hình cá nhân hóa.
Trí tuệ nhân tạo, trợ lý ảo cũng sẽ trở thành phổ biến trong hoạt động điều hành, xây dựng, hoạch định, đánh giá chính sách của Bộ Tài chính, cung cấp các dịch vụ tài chính công mới theo nhu cầu riêng của người dân doanh nghiệp. Bên cạnh đó, sẽ dân sự hóa các dịch vụ tài chính công của Bộ Tài chính; thực hiện tích hợp đám mây Tài chính với đám mây của Chính phủ.
Chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính:
Hoàn thành cung cấp 977 dịch vụ công trực tuyến, với 583 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, đạt tỷ lệ 60%. Hoàn thành tích hợp 296/583 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 lên Cổng Dịch vụ công Quốc gia, vượt 21% mục tiêu Bộ Tài chính đã được Chính phủ giao.
Trong năm 2020, Bộ Tài chính cũng đã kết nối chia sẻ các thông tin về chỉ tiêu kinh tế vĩ mô với Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ, cung cấp các chỉ tiêu quan trọng trong lĩnh vực tài chính – ngân sách như: thông tin về cơ cấu thu chi ngân sách nhà nước, thông tin số thu xuất nhập khẩu, số thu theo sắc thuế, thông tin về đầu tư công... Một số chỉ tiêu như thu chi ngân sách nhà nước trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, thu theo sắc thuế được cập nhật hàng ngày giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ theo dõi theo thời gian thực, hỗ trợ đưa ra những quyết sách, điều chỉnh để phù hợp với người dân, doanh nghiệp.