Sáng ngày hôm nay 2/12, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có bài phát biểu khai mạc tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11. Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh về tinh thần trách nhiệm, thần tốc, quyết liệt trong việc ngăn chặn sự lây lan của Covid-19 trong cộng đồng tại TP Hồ Chí Minh nói riêng và toàn Việt Nam nói chung
Trong tháng 11/2020 đã xảy ra nhiều sự kiện lớn, nổi lên nhiều vấn đề của đất nước và toàn thế giới. Ở kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV, Chính phủ đã trình ra 74 văn bản báo cáo, tham vấn. Sau khi xem xét kĩ lưỡng, Quốc hội đã nhất chí thông qua nhiều nghị quyết quan trọng, trong đó có Nghị quyết về kế hoạch phát triển Kinh tế - Xã hội năm 2021 sắp tới.
Ở kỳ họp này, Quốc hội đã chấp thuận bổ nhiệm 3 thành viên Chính phủ bao gồm: Nguyễn Thị Hồng - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Huỳnh Thành Đạt - Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ, Nguyễn Thanh Long - Bộ trưởng Y tế.
Thủ tướng cùng các thành viên Chính phủ khác nhiệt liệt chào đón 3 thành viên mới. Thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá rất cao sự chuẩn bị kĩ lưỡng, chu đáo của các thành viên Chính phủ cho kỳ họp Quốc hội khóa XIV vừa qua, đề cao tinh thần trách nhiệm, sự chuẩn bị các tài liệu liên quan, đặc biệt sôi nổi tham gia trả lời chất vấn, tham gia xây dựng, phát biểu ý kiến. Hầu như 100% các thành viên của Chính phủ đều tham gia phát biểu trước Quốc hội về nhiều vấn đề nổi cộm trong cuộc sống thuộc lĩnh vực mình phụ trách.
Trong tháng 11/2020 còn có rất nhiều sự kiện khác đã diễn ra như Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 và một số hội nghị khác có liên quan. Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 đã thông qua 84 văn kiện, đây là số lượng văn kiện được thông qua trong một kì hội nghị lớn nhất từ trước đến nay. Đặc biệt, 10 nước thành viên của ASEAN và 5 đối tác khác từ khu vực khác đã cùng nhau ký kết Hiệp định RCEP. Việc hợp tác này hứa hẹn tạo nên một thị trường rộng lớn với khoảng 2,2 tỷ người, chiếm tới 30% dân số toàn thế giới và chiếm 30% tổng mức GDP toàn cầu và hứa hẹn sẽ trở thành khu vực thương mại tự do lớn số 1 trên thế giới.
Trong khoảng thời gian vừa qua, đất nước ta đã tập trung vào công tác phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, lũ lụt rất tích cực. Thủ tướng và Phó Thủ tướng đã trực tiếp xem xét, chỉ đạo xử lý tại các vùng bị ảnh hưởng. Chính phủ đã cấp gần 16.000 tấn gạo và hơn 1.200 tỷ đồng lấy từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương để hỗ trợ các địa phương. Ngoài ra còn có rất nhiều các tổ chức, cá nhân, những tấm lòng hảo tâm trên khắp mọi miền đất nước luôn hướng về đồng bào miền Trung bị ảnh hưởng nặng nề bởi 9 cơn bão, 2 áp thấp nhiệt đới. Về cơ bản công tác hỗ trợ, khắc phục thiên tai bước đầu đã coi như hoàn thành, nhưng những hậu quả để lại vẫn còn rất lớn nên chính phủ sẽ tiếp tục triển khai, thực hiện công tác này.
Thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thống kê, báo cáo về các công tác dự báo, cảnh báo, ứng phó, cứu trợ, chỉ đạo, khắc phục hậu quả bão, lũ và cứu nạn, cứu hộ tại các khu vực bị ảnh hưởng trong thời gian qua.
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề cập đến trường hợp dương tính với Covid-19 ở TP Hồ Chí Minh và cho biết thêm, ngày hôm qua 1/12, ban Thường trực Chính phủ đã họp khẩn cấp về vấn đề này, chỉ đạo cần phải nhanh chóng và quyết liệt hơn nữa trong việc truy tìm dấu vết và khoanh vùng, chấm dứt sự lây lan của bệnh dịch.
Thủ tướng nhấn mạnh cần phải có biện pháp kiểm điểm, xử lý nghiêm khắc những cá nhân và tổ chức có liên quan không nghiêm túc thực hiện đúng quy trình cách ly của Bộ Y tế đề ra làm lây nhiễm bệnh dịch ra cộng đồng; Bộ Giao thông Vận tải nhận trách nhiệm trực tiếp xử lý và báo cáo kết quả cho Thủ tướng Chính phủ. Thủ tướng muốn các bộ phận có liên quan đẩy mạnh tinh thần quyết liệt và nhanh chóng. Quyết không để cho bệnh dịch lây lan trong cộng đồng, gây ảnh hưởng xấu đến các hoạt động và sự kiện lớn của đất nước. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế - Nguyễn Thanh Long báo cáo thêm về vấn đề này.
Về tình hình Kinh tế - Xã hội trong tháng 11 nói riêng và trong 11 tháng đầu năm 2020, Bộ trưởng Khoa học và Đào tạo báo cáo, nhiều vấn đề trong sản xuất kinh doanh, vấn đề đầu tư công và một số mặt khác đã cơ bản được giải quyết, triển vọng tiếp tục giữ đà tăng trưởng trong tháng cuối cùng của năm 2020.
Thủ tướng Nguyễn Xuan Phúc đề nghị các thành viên ban Thường trực Chính phủ đóng góp ý kiến cho dự thảo Nghị quyết 01 năm 2021
Nhiều tổ chức trên thế giới đánh giá cao triển vọng về kinh tế của Việt Nam. Chúng ta có thể phục hồi tăng trưởng từ 7% hoặc trên 7% trong năm 2021. Trong khu vực ASEAN, có thể nói Việt Nam là đất nước duy trì được đà tăng trưởng cao nhất.
Theo báo cáo được nêu ra của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nền kinh tế Việt Nam trong tháng 11/2020 tiếp tục giữ được đà phục hồi tích cực trong điều kiện bình thường mới. Thương mại, sản xuất kinh doanh và tiêu dùng tiếp tục tăng trưởng. Lạm phát về cơ bản được kiểm soát, dự trữ ngoại hối cao, xuất siêu kỷ lục. Niềm tin của doanh nghiệp, của nhà đầu tư và của người dân vào triển vọng kinh tế Việt Nam đang rất tích cực. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã nâng dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2020 lên mức 2,4%, đưa đất nước ta trở thành một trong những quốc gia có mức tăng trưởng cao nhất thế giới. Điều này lại một lần nữa khẳng định sự ghi nhận của các tổ chức quốc tế về những thành tựu trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 và sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Trong khoảng thời gian sắp tới, tình hình trong nước và quốc tế vẫn đang tiềm ẩn nhiều rủi ro lớn. Đại dịch Covid-19 tiếp tục có những diễn biến phức tạp ở nhiều khu vực lớn. Những khu vực, quốc gia này đều là những đối tác quan trọng của Việt Nam nên đất nước ta sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng không nhỏ đến các lĩnh vực như du lịch, thương mại và đầu tư. Tình hình trong nước, ngành sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng, nhưng mức tăng thấp hơn so với tháng 10/2020; các dịch vụ ăn uống, lưu trú, lữ hành phục hồi khá chậm. Mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức nhưng bên cạnh đó, nhiều cơ hội cũng đang rộng mở để chúng ta có thể nắm bắt và vươn lên.
Các chính sách vĩ mô quan trọng tiếp tục được giữ vững, tạo điều kiện thuận lợi để tiếp tục thực hiện các chính sách nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế. Các hiệp định RCEP và EVFTA là cơ hội tốt để thúc đẩy nền thương mại. Việt Nam cần chuẩn bị các phương án trong hoạt động đầu tư và thương mại để luôn sẵn sàng, chủ động khi tình hình dần được cải thiện.