Các bộ, ngành cần sớm ban hành hướng dẫn về việc thực hiện các phương án xác định giá đất; quy định điều kiện với đối tượng được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội cần đúng và trúng hơn…
Ngày 22/7, tại Nhà Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đã chủ trì cuộc làm việc giữa Đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023” với 4 Bộ: Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp.
Theo báo cáo, trong giai đoạn từ năm 2015 đến hết năm 2023, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương chủ động, thường xuyên theo dõi diễn biến tình hình thị trường bất động sản, tăng cường công tác thông tin dự báo, kịp thời có giải pháp ứng phó khi thị trường có biến động bất thường, kịp thời xử lý các vấn đề “nóng” phát sinh.
Công tác quản lý thị trường bất động sản đã được các cấp, các ngành triển khai đồng bộ và khá toàn diện; nhờ đó đã kiểm soát thị trường, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát theo đúng mục tiêu đã đề ra.
Tuy nhiên, nguồn cung sản phẩm nhà ở chủ yếu là phân khúc cao cấp và trung cấp, thiếu sản phẩm bất động sản là nhà ở có giá phù hợp với khả năng chi trả của đa số người dân. Giá giao dịch bất động sản có xu hướng tăng dần theo năm, cao so với thu nhập bình quân của số đông người dân…
Đối với phát triển nhà ở xã hội, tuy nguồn lực Nhà nước còn hạn chế, song việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển nhà ở xã hội đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận, góp phần giải quyết nhu cầu nhà ở cho người dân nói chung cũng như các nhóm đối tượng được hưởng chính sách nhà ở nói riêng, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh và bền vững.
Tuy nhiên, các trình tự, thủ tục, quy trình thẩm định, phê duyệt dự án nhà ở xã hội chưa thống nhất, nên thực hiện còn lúng túng, chậm trễ, kéo dài. Các ưu đãi chưa đủ sức khuyến khích việc tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội của các thành phần kinh tế. Thủ tục mua, thuê mua, thuê nhà ở xã hội qua nhiều khâu xác minh, thẩm duyệt, gặp nhiều vướng mắc, thời gian thẩm định kéo dài.
Các bộ cũng nhận định Luật Đất đai năm 2024, Luật Nhà ở năm 2023 và Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023 vừa được Quốc hội điều chỉnh thời gian có hiệu lực bảo đảm đồng bộ với các luật liên quan sẽ giúp tạo hành lang pháp lý đủ rõ ràng, minh bạch, khơi thông những vướng mắc về pháp lý của các dự án bất động sản và nhà ở. Nhờ vậy, nguồn cung bất động sản sẽ dồi dào, giá bất động sản sẽ ổn định, chấm dứt hiện tượng "bong bóng," "sốt giá."
Tại cuộc làm việc, các thành viên Đoàn giám sát nêu hiện trạng hiện nay tại nhiều địa phương, doanh nghiệp phản ánh về việc thực hiện các trình tự, thủ tục đầu tư tốn kém thời gian, ảnh hưởng đến tiến độ dự án. Việc kéo dài trình tự, thủ tục đầu tư dự án dẫn đến chi phí tài chính, chi phí tuân thủ của các doanh nghiệp ngày càng tăng; chi phí này được tính vào giá bán, tạo gánh nặng cho người mua. Do vậy, các ý kiến đề nghị, các bộ, ngành báo cáo quy trình, trình tự, thủ tục mẫu để xin cấp phép đầu tư một dự án bất động sản, nhà ở xã hội.
Một số ý kiến đề nghị các bộ, ngành sớm ban hành hướng dẫn về việc thực hiện các phương án xác định giá đất; quy định điều kiện với đối tượng được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội cần đúng và trúng hơn…
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết kết quả giám sát sẽ giúp Quốc hội, Chính phủ có cơ hội nhìn nhận thẳng thắn, khách quan về thực trạng thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển xã hội; đồng thời cung cấp thông tin quan trọng cho các cơ quan có thẩm quyền trong việc hoạch định chính sách phát triển kinh tế-xã hội của đất nước trong giai đoạn tới, góp phần thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng./.
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/can-quy-dinh-dung-va-trung-doi-tuong-duoc-mua-thue-nha-o-xa-hoi-post966098.vnp