Bộ trưởng Giao thông Vận tải - ông Nguyễn Văn Thể đề xuất Hà Nội di dời các trung tâm thương mại lớn, đông người ra ngoại đô; khu vực nội đô chỉ để ở, nghỉ ngơi
Cùng thảo luận tại tổ về dự luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Xây dựng sáng nay, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải - Nguyễn Văn Thể cho rằng có rất nhiều quy định trong dự luật có liên quan đến ngành Giao thông Vận tải, ảnh hưởng lớn đến tình hình giao thông.
Tránh tình trạng một vài cá nhân tự ý điều chỉnh, phá nát quy hoạch
Theo ông Nguyễn Văn Thể, hiện việc lập, thông qua quy hoạch đô thị hoặc một quận đô thị được thực hiện rất nghiêm túc, rà soát, xem xét rất kỹ. Nhưng sau khi công bố, triển khai lại thay đổi hoàn toàn cục bộ, dẫn đến phá vỡ quy hoạch.
Bộ trưởng Giao thông Vận tải đề xuất cấp nào ban hành quy hoạch, bao nhiêu hội đồng đồng ý thì khi tiến hành điều chỉnh cũng phải là cấp đó điều chỉnh, với bằng đấy hội đồng đồng ý. Đặc biệt là những công trình lớn, quy hoạch lớn càng cần có quy định chặt chẽ, tránh việc xé lẻ làm phá đi quy hoạch. Có như vậy mới đảm bảo được tính khách quan.
“Tránh tình trạng một vài cá nhân khi điều chỉnh khu A, khu B không hợp lí dẫn đến phá nát quy hoạch, gây ùn ứ giao thông, bức xúc xã hội.
Tình trạng các đô thị, công viên, khu công cộng đã được quy hoạch xong rồi nhưng sau đó nhà đầu tư lại thay đổi cục bộ dẫn đến việc mất diện tích cây xanh, diện tích công cộng”, tư lệnh ngành Giao thông Vận tải cảnh báo chính việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch quá dễ này dẫn đến tình trạng quy hoạch không tốt.
Về ứng xử với những khu đô thị khi làm quy hoạch, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã đề nghị phân biệt các khu đô thị có mật độ dân cư cao với các khu đô thị có mật độ dân cư thấp để quản lý.
Ông mong muốn rạch ròi vùng nào là vùng lõi, mật độ nhà cửa nhiều thì nên giảm bớt thay đổi quy hoạch để tránh tốn kém kinh phí giải phóng mặt bằng, tái định cư, đền bù nhà cửa…
Còn đối với khu mới, mật độ xây dựng còn rất thấp, nên quy hoạch thành những đô thị hiện đại, hướng theo tiêu chuẩn châu Âu. Như vậy, sẽ hình thành nên vùng lõi là những vùng cổ và vùng mới là vùng hiện đại.
Vị Bộ trưởng cũng kiến nghị luật phải có những quy định để chính quyền địa phương, nhất là Hội đồng Nhân dân các địa phương xác định vùng lõi như thế nào để có những ứng xử phù hợp.
Ông cũng nêu thực tế rằng, ở một số nơi quản lý không chặt chẽ, cùng một diện tích lại xây dựng rất nhiều nhà cao tầng, gấp đôi gấp ba số lượng dân cư hiện có và trở thành điểm nóng về ùn tắc giao thông, di chuyển vô cùng khó khăn.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã đề xuất, Hà Nội hình thành nên những khu đô thị hiện đại có đường ô tô, đường trên cao, công viên, tàu điện ngầm, cây xanh; còn những trung tâm kinh doanh buôn bán, dịch vụ lớn, đông người thì di dời ra ngoài thành, trong nội đô chỉ để ở, nghỉ ngơi. Như vậy, nội đô sẽ biến mất dần chức năng trung tâm, kéo theo việc giá đất nội đô giảm, giá bên ngoài sẽ tăng.
Cần phải xây dựng mẫu hình thiết kế nhà cho phố cổ
Theo ĐB Đào Thanh Hải (Tp Hà Nội) nêu thực tế cả nước hiện có 3 khu vực phải bảo tồn, rất lớn bao gồm: phố cổ bảo tồn cấp 1 ở quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), TP Hội An (tỉnh Quảng Nam) và TP Huế, tuy nhiên trong luật chưa có bất kì quy định cụ thể để vừa bảo tồn, vừa cho người dân sinh sống và phát triển trong các khu phố này.
Phó giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết người dân ở quận Hoàn Kiếm bây giờ muốn sửa chữa 1 cái nhà hay cải tạo chỗ ở thì rất khó khăn. Có những hộ gia đình sống hàng chục năm nay không có một tí ánh sáng nào.
ĐB đề xuất Bộ Xây dựng nên phối hợp các địa phương để dựng ra những mẫu hình thiết kế nhà theo đúng tiêu chuẩn phố cổ khoảng từ 5-7 mẫu, cho người dân áp dụng theo các mẫu đấy và được phép sửa chữa.
"Miễn là theo đúng tiêu chuẩn đã đề ra, làm sao để xây dựng xong vẫn nhìn thấy những nét riêng của phố cổ, vẫn đúng hình dạng đó nhưng to hơn, đẹp hơn, hoặc cũng có thể cao hơn một chút để cải thiện đời sống của người dân", ông Hải nói.
"Thế nhưng hiện tại người nào làm được vẫn cứ làm, người thì dùng đá tự nhiên, người thì đá granit, lại có người xây tường, người thì để gạch. Ban công nhô cao, thò ra thụt vào, không hề theo một tiêu chuẩn nào cả".
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga thì quan tâm hơn đến những mặt trái của ngành xây dựng.
Theo bà, lĩnh vực xây dựng rất dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực, tham nhũng vặt.
“Chẳng hạn như vụ đoàn thanh tra Bộ Xây dựng ở tỉnh Vĩnh Phúc vừa qua cần xem luật sơ hở chỗ nào để bị lợi dụng”, bà Nga gợi ý.
Bên cạnh đó, Vị Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cũng lưu ý về tính thống nhất trong dự luật mới này có liên quan đến nhiều luật, trong dó có một số luật đang trình Quốc hội cho ý kiến, xem xét như: luật Doanh nghiệp, luật Đầu tư, luật PPP.
Bà Nga nhắc lại, cách đây mấy tháng nổi lên câu chuyện chồng chéo hệ thống pháp luật nghiêm trọng. Theo đó, có 5 cơ quan chịu trách nhiệm về vấn đề này: Thứ nhất là cơ quan soạn thảo, thứ hai là Chính phủ, thứ ba là cơ quan thẩm tra, thứ bốn Ủy ban Pháp luật, thứ năm là Bộ Tư pháp.