Mỗi năm, doanh thu của Coca - Cola và Pepsico tại thị trường Việt Nam cao gấp 3 lần so với Tân Hiệp Phát. Song, lợi nhuận của Tân Hiệp Phát ghi nhận lại bằng tổng lợi nhuận của hai ông lớn này gộp lại
Mới đây, một cái tên lớn trong làng nước giải khát là Công ty TNHH Nước giải khát Coca-Cola Việt Nam (Coca - Cola Việt Nam) mới bị Tổng cục Thuế "tuýt còi" phạt và truy thu thuế với tổng số tiền lên đến gần 821 tỷ đồng. Trong đó gồm 471 tỷ đồng tiền truy thu, tiền chậm nộp là 289 tỷ đồng và tiền phạt gần 62 tỷ đồng.
Đại diện Cục Thuế TP Hồ Chí Minh cho biết Coca-Cola Việt Nam là đơn vị xếp vào vị trí hàng đầu trong danh sách các doanh nghiệp nghi vấn có dấu hiệu chuyển giá do đã liên tục kê khai lỗ trong nhiều năm…
Trước đó, sau quá trình hơn 20 năm làm ăn kinh doanh tại Việt Nam, mãi đến hết năm 2015, Coca - Cola mới lần đầu tiên đóng thuế thu nhập doanh nghiệp khi doanh nghiệp này lần đầu báo lãi.
Doanh thu nghìn tỷ, ghi nhận lãi lẹt đẹt
Cái tên Coca - Cola là một trong những đế chế sản xuất đồ uống và nước giải khát lớn mạnh, lâu đời nhất trên thế giới. Hãng đã bước chân vào thị trường Việt Nam từ những năm 1994. Công ty TNHH Nước giải khát Coca - Cola Việt Nam đóng vai trò điều hành hoạt động, sản xuất và phân phối những sản phẩm của Coca - Cola tại thị trường Việt Nam.
Công ty này có trụ sở tại số 485, đường Xa Lộ Hà Nội, P. Linh Trung, Q. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh. Người đại diện kiêm Tổng Giám đốc đương nhiệm là ông Ray Sanket, sinh năm 1973, có quốc tịch Ấn Độ.
Với định hướng là tập trung vào mảng đồ uống không cồn, đến nay Coca - Cola Việt Nam đã có trong tay dải sản phẩm rộng, trải dài từ các loại đồ uống có ga như Coca - Cola, Sprite, Fanta cho đến nước tăng lực như Samurai, nước uống thể thao Aquarius và nước khoáng Dasani.
Theo số liệu đã được công bố, những năm gần đây ghi nhận doanh thu của Coca - Cola có mức tăng trưởng đều đặn cả nghìn tỷ mỗi năm. Nhưng doanh nghiệp này chỉ ghi nhận mức lợi nhuận rất thấp.
Năm 2016, Coca - Cola có doanh thu 6.872 tỷ đồng. Số liệu gần đây nhất có được, doanh thu của Coca - Cola Việt Nam trong năm 2019 đạt con số 9.297 tỷ đồng, tăng 9% so với năm 2018.
Nếu so với một đối thủ khác "ngang tài ngang sức", với dải sản phẩm tương đồng là Suntory PepsiCo, doanh thu do Coca - Cola Việt Nam đưa ra là thấp hơn rất nhiều. Năm 2019, Suntory PepsiCo ghi nhận đạt doanh thu 18.302 tỷ đồng, cao gấp đôi so với đối thủ Coca.
Đáng chú ý hơn, lợi nhuận theo báo cáo của Coca - Cola Việt Nam thậm chí còn sụt giảm hơn một nửa xuống còn 227 tỷ đồng vào năm 2017, mặc dù doanh thu vẫn tăng đều.
Đến giai đoạn năm 2018 - 2019, doanh nghiệp này báo lãi lần lượt là 549 tỷ đồng và 812 tỷ đồng.
Nhưng biên lợi nhuận/doanh thu (ROS) ghi nhận trong năm 2019 cũng chỉ ở mức 7,3%, thấp hơn nhiều so với các doanh nghiệp cùng ngành.
Tương tự, mặc dù có doanh thu lớn gấp đôi so với Coca - Cola, nhưng nếu đặt trên bàn cân với doanh nghiệp Tân Hiệp Phát - một doanh nghiệp cùng ngành trong nước, hiệu quả về kinh doanh ghi nhận là chưa tương xứng.
Trong năm 2019, tổng doanh thu của nhóm doanh nghiệp của nhà Tân Hiệp Phát bao gồm: Tân Hiệp Phát Bình Dương, Number One Chu Lai và Number One Hà Nam tương đương với Coca - Cola Việt Nam, đạt khoảng 9.240 tỷ đồng. Song lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp này lại bằng tổng lợi nhuận của hai ông lớn Coca - Cola và PepsiCo gộp lại.
Có thể thấy rằng, mặc dù quy mô doanh thu và biên lợi nhuận gộp của Tân Hiệp Phát và Coca - Cola Việt Nam là tương đương nhau. Nhưng những ghi nhận giá vốn hàng bán của Tân Hiệp Phát năm 2019 chỉ đạt 4.736 tỷ đồng, so với 6.112 tỷ đồng của Coca - Cola Việt Nam. Điều này dẫn tới sự chênh lệnh lợi nhuận lên đến cả nghìn tỷ đồng.
Tương tự, biên lợi nhuận gộp của InterFood - là doanh nghiệp sở hữu thương hiệu trà bí đao Wonderfarm - trong năm 2019 đạt 38%, cao hơn 1% so với Coca - Cola, nhưng biên lợi nhuận ròng của doanh nghiệp từng được niêm yết trên sàn HOSE ghi nhận là 12,4%, cao hơn rất nhiều so với mức 7,3% mà Coca - Cola ghi nhận.
Quay lại với Coca - Cola Việt Nam, qua nhiều năm ghi nhận lỗ, tính đến hết năm, vốn chủ sở hữu của công ty này vẫn đang thấp hơn 1.000 tỷ đồng khi so với vốn góp, tức vẫn còn lỗ luỹ kế số tiền hơn 1.000 tỷ đồng.
Cuối năm 2019, Coca - Cola sở hữu 9.697 tỷ đồng tổng tài sản, tăng 15% so với thời điểm đầu năm đó. Tổng nợ phải trả của doanh nghiệp tăng khoảng 423 tỷ đồng lên 2.558 tỷ đồng trong năm 2019 và chủ yếu là các khoản vay nợ ngắn hạn.
Liên quan đến quyết định xử phạt và truy thu gần 821 tỷ đồng tiền thuế của Coca - Cola Việt Nam, đại diện hãng nước giải khát này cho biết Coca - Cola Việt Nam đã tạm nộp 821 tỷ đồng tiền thuế trong thời gian đợi kết quả khiếu nại theo các quy định của pháp luật hiện hành, song Coca - Cola Việt Nam khẳng định sẽ "tiếp tục theo đuổi khiếu nại theo các quy định hiện hành".